Phong Phú “thần tốc – táo bạo – quyết liệt”

Bài: Hoàng Anh- Đức Toà
Đội ngũ chúng ta, ngành Dệt May Việt Nam
Ta đã lớn lên, mang tầm vóc thời đại
Sản phẩm của ta đã đến mọi miền quê hương
Mặc ấm… mặc đẹp
Bè bạn năm châu yêu thích thời trang Việt Nam…
Với cây đàn ghi ta, sau khi say sưa hát “Khúc ca tự hào Dệt May Việt Nam”, ông Lê Trung Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng thăng trầm của ngành dệt may Việt Nam, của Tổng Công ty CP Phong Phú (nơi ông đã gắn bó hơn 20 năm). Tự hào về thành quả của tập thế, ông Hải chia sẻ, trong mạch nguồn phát triển của Phong Phú cũng như nhiều đơn vị trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nét văn hóa của Vinatex hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, cải tiến liên tục vẫn luôn được xây dựng và phát huy cho đến ngày nay.
CON NGƯỜI LÀ TÀI SẢN QUAN TRỌNG NHẤT
Tiền thân của Tổng Công ty CP Phong Phú là Khu Kỹ nghệ Sicovina – Phong Phú trực thuộc Công ty kỹ nghệ Bông Vải Việt Nam. Sicovina – Phong Phú là một nhà máy có quy mô nhỏ với 3 xưởng sản xuất: sợi – dệt – nhuộm. Sản phẩm chủ yếu là sợi và một số mặt hàng vải như Satin, Batist, Crèstone, Khaki, vải xiêm, vải ú đen…
Sau giải phóng, năm 1975 nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Dệt Phong Phú. Sản phẩm chính của nhà máy trong giai đoạn này chủ yếu là vải bảo hộ lao động giao cho Liên Xô theo kế hoạch của Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa, năm 1981, ông Lê Trung Hải về Phong Phú làm việc. Ông chia sẻ, Phong Phú là đơn vị may mắn có đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên, người lao động có tay nghề từ thời trước giải phóng vẫn gắn bó với doanh nghiệp khi đất nước thống nhất. Một số doanh nghiệp khác sau giải phóng, như Việt Thắng, Thắng Lợi, Đông Á không có nhiều cán bộ kỹ thuật, người chỉ huy, điều hành ở lại, nên Bộ Công nghiệp nhẹ đã điều cán bộ làm dệt may ở phía Bắc vào để hỗ trợ các doanh nghiệp khi khó khăn về nhân sự. Phong Phú lại có đội ngũ kỹ sư, cán bộ giỏi, chuyên nghiệp được đào tạo ở các nước Pháp, Nhật Bản, Mỹ và được tu nghiệp ở nước ngoài. Đội ngũ lành nghề có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất làm việc cao và rất chuyên nghiệp, có thể kể đến như: kỹ sư Lê Hữu Liêu – xưởng Sợi; kỹ sư Nguyễn Đắc Ngọc – xưởng Dệt; kỹ sư Đỗ Đăng Giao – xưởng Nhuộm; kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Hương – phòng Kỹ thuật; kỹ sư Hà Minh Ngọc Sương – phòng KCS; kỹ sư Khiếu Thiện Thuật -Trợ lý giám đốc (sau này là Phó giám đốc Phong Phú và Tổng giám đốc Liên doanh Coats Phong Phú); kỹ sư Nguyễn Thanh Tâm – phòng Kế hoạch; cử nhân Trần Văn Hóa – phòng Cung tiêu; kỹ sư Nguyễn Thị Hào – xưởng Nhuộm… Ngoài ra, còn rất nhiều cán bộ cấp trưởng ngành ở các xưởng như các ông Nguyễn Văn Tâm, ông Huỳnh Công Khanh ở xưởng Sợi, ông Nguyễn Đình Hùng ngành Điện…
Nói về công tác tuyển dụng lao động của Phong Phú, ông Hải tâm sự, ngày đó Phong Phú làm cũng rất đặc biệt. Đầu vào, Phong Phú đưa ra bài thi kiểm tra đầy đủ từ văn hóa đến kỹ năng. Nội dung thi văn hóa là viết câu văn đơn giản và ngắn gọn. Bài thi kỹ năng, là những nội dung có thể đánh giá được ứng viên có khả năng nhớ tốt, kỹ năng khéo léo, thao tác nhanh hay không cũng như khả năng tư duy ở mức độ nào. Từ đó, đơn vị sẽ sắp xếp bố trí công việc phù hợp với khả năng của từng ứng viên, đặt họ ở vị trí làm việc sao cho phát huy tốt nhất kỹ năng của họ. Sau khi công nhân mới được tuyển dụng “đúng người, đúng việc”, ban lãnh đạo tiếp tục cho đào tạo tay nghề đúng với vị trí việc làm. Phong Phú thường xuyên rà soát chất lượng công nhân một cách bài bản, đảm bảo nâng cao kiến thức, tay nghề, hiểu biết. Đội ngũ cán bộ của Phong Phú lại trách nhiệm trong đào tạo, truyền nghề cho người lao động.
Ông Hải tâm sự, mỗi người có nhận thức, tư duy và đặt vào mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau sẽ có góc nhìn nhận giữa cái mới và cũ cũng khác nhau. Điều mà ông Hải không ngại đó là sợ sai, sợ mất hình tượng, mà điều ông ngại là quá trình mình làm đúng, nhưng có điểm sai mà không nhận ra, hôm nay mình làm đúng, nghĩ là đúng mãi, cuộc sống vận động và thay đổi, 5 năm sau có thể lại sai. Càng ngày chu trình sản xuất kinh doanh càng ngắn lại, đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn vận động, linh hoạt và quyết đoán. Đối với sản phẩm của ngành dệt may cũng vậy, thị trường liên tục biến động, nhu cầu thay đổi ngày một chóng vánh, tư duy quản trị, sản xuất kinh doanh buộc phải vận động, thích nghe theo, thậm chí là đón đầu để giữ được năng lực cạnh tranh cũng như thương hiệu đã gây dựng bao năm. Ông Hải phân tích, việc quản trị sản xuất kinh doanh khi Việt Nam mới bắt đầu đổi mới, có những khái niệm như “bán cái mình có” nhưng sau này phải thay đổi sang “bán cái người ta cần”, và giờ còn khác nữa, đó là “bán cái mình có nhưng phải làm sao để người ta cần”, và còn kết hợp “win-win” – hai bên cùng có lợi, không dừng lại ở bán sản phẩm mà là bán câu chuyện, là kết nối con người đến với con người,…
TÁO BẠO TRONG TỪNG SẢN PHẨM
Tự hào về Phong Phú, ông Hải kể, ban lãnh đạo qua các thời kỳ, không một ai chùn bước trước khó khăn. Phong Phú thường xuyên tổ chức các “Hội nghị Diên Hồng” để quyết định tìm con đường riêng của mình. Năm 1986, nhìn thấy tiềm năng của khăn bông và được ông Bùi Văn Long – nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Dệt động viên, Phong Phú quyết định cử cán bộ kỹ thuật đi học và nghiên cứu, cải tạo máy dệt vải thành máy dệt khăn bông. Đây chính là tiền đề mà Phong Phú phát triển khăn bông. Năm 1987, mặt hàng khăn bông lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp đầu tiên đi Nhật Bản. Đây chính là container đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đi nước ngoài, bởi trước đó tất cả các nhà máy, công ty đều xuất khẩu tại chỗ – tức là bán sản phẩm cho các nhà kinh doanh nông sản (như đậu lành, đậu xanh, gạo,…) sau khi họ bán sản phẩm, có được đô la, họ mới trả tiền cho doanh nghiệp dệt may. Lúc đó chỉ xuất khẩu tại chỗ, qua đơn vị trung gian, chưa được làm việc trực tiếp với khách nước ngoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Điện thoại
Zalo
Tin nhắn
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo